Tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 5/10,ộCônganphốihợpcùngInterpolngănchặntộiphạmmạmaáp ông Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, cho biết tội phạm công nghệ cao thường hoạt động theo quy mô quốc tế. Những nhóm này đặt trụ sở tại nước ngoài, sau đó lôi kéo người dùng trong nước tham gia hoạt động vi phạm pháp luật. Vì vậy, công an Việt Nam đã phối hợp cùng Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) để điều tra và xử lý.
Trong 9 tháng qua, cơ quan chức năng đã rà soát và ngăn chặn 22.400 website, tài khoản và ứng dụng liên quan đến hoạt động cờ bạc, buôn bán chất cấm, cung cấp nội dung vi phạm bản quyền, văn hóa phẩm đồi trụy. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm an ninh mạng vẫn diễn biến phức tạp do các nhóm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin như tính xuyên biên giới, khả năng mã hóa và bảo mật thông tin.
"Quá trình phạm tội diễn ra dễ dàng nhưng việc điều tra, xử lý lại cần nhiều thời gian", ông Hải cho biết.
Tội phạm công nghệ cao cũng có thêm nhiều thủ đoạn mới như dùng công nghệ deepfake để lừa đảo, dùng phần mềm phát tán tin nhắn lôi kéo người dùng tham gia đánh bạc, vay tín dụng đen, đánh cắp, mua bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng phục vụ cho mục đích trái pháp luật. Nhiều người ở nước ngoài còn lợi dụng địa bàn Việt Nam để thiết lập các trang mạng phục vụ cho đường dây tội phạm. Do đó, cơ quan chức năng Việt Nam đã nhờ đến sự hỗ trợ của Interpol.
Đầu tháng 7, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đánh giá các nhóm tội phạm đặt trụ ở nước ngoài là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. "Trước đây, chúng ta biết tới các tổ chức lừa đảo người Việt ở Campuchia, nay xuất hiện thêm ở Lào và Philippines", ông Trần Quang Hưng, Phó cục trưởng An toàn thông tin, nói.
Bộ Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an, để yêu cầu hợp tác điều tra. Người dùng cũng cần thường xuyên cập nhật tính năng bảo mật quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội, không cung cấp thông tin, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ người lạ nào, không ấn vào đường link, tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.
Trong trường hợp nhận được tin nhắn mượn tiền hay nhờ chuyển tiền cho người thân, cần xác nhận lại thông tin. Người dùng cũng không nên cho thuê giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không liên quan. Trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu chiếm đoạt tài khoản, cần báo cho cơ quan công an để được hướng dẫn giải quyết.
Hoàng Giang